Gen Z chán đi làm
Đại dịch Covid-19 khiến những lao động trẻ tuổi, hăng hái bỗng trở nên lạnh nhạt và chán ghét công việc, trở thành mối lo ngại của toàn cầu.
Nhân viên trẻ không có kinh nghiệm như các đồng nghiệp lớn tuổi nhưng có lợi thế nhiệt tình. Không bị gia đình hay con cái ràng buộc, họ sẵn sàng cháy hết mình cho công việc, không thấy buồn chán hay bất mãn. Họ tràn đầy ước mơ và hy vọng.
Nhưng điều đó đã thay đổi khi dịch Covid-19 xảy ra. Theo khảo sát của Viện Gallup, từ năm 2019 đến 2022, tỷ lệ người dưới 35 tuổi cảm thấy gắn bó với công việc giảm từ 37% xuống 33%, thấp nhất kể từ năm 2011. Cùng với đó, tỷ lệ những người mất hứng thú làm việc tăng từ 12% lên 17%.
Đây không phải điều xã hội mong muốn. Mức độ gắn bó thấp dẫn đến tỷ lệ nghỉ việc cao hơn. Gallup ước tính tình trạng này khiến kinh tế toàn cầu tổn thất khoảng 7,8 nghìn tỷ USD mỗi năm. Nó cũng không có lợi với lớp người lao động trẻ tuổi vì họ không đơn giản là nghỉ việc và tìm chỗ mới.
Nhìn chung, môi trường làm việc ngày nay khiến nhân viên trẻ vỡ mộng. Những người trong độ tuổi 20, 30 cảm thấy thiếu sự quan tâm, thiếu người động viên, thiếu cơ hội học hỏi và phát triển, thiếu bạn bè tốt tại công sở hay niềm tin được lắng nghe.
Caitlin Duffy, giám đốc nghiên cứu của hãng điều tra thị trường Gartner nhận xét, nếu nhân viên không còn mặn mà, họ sẽ làm việc theo hình thức.
Có một số lý do có thể giải thích cho hiện tượng "Gen Z chán việc". Thứ nhất là sự chuyển dịch sang xu hướng làm việc từ xa hoặc kết hợp, theo Jim Harter – nhà khoa học trưởng tại Gallup. Tuy là thế hệ linh hoạt, Gen Z lại là đối tượng không thích làm việc từ xa hoàn toàn nhất. Một nghiên cứu của WFH Research cho thấy, chỉ 24% những người trong độ tuổi 20 muốn làm việc ở nhà toàn thời gian, so với 41% trong độ tuổi 50 và đầu 60.
Một trong những lý do chính khiến Gen Z chán việc là mất kết nối công sở. Ảnh: WSJ
Đây là điều dễ hiểu vì khi vừa ra trường, người trẻ cơ bản chỉ dựa vào công việc để sống hơn đồng nghiệp lớn tuổi. Họ muốn và cần được hướng dẫn từ người quản lý - điều không có nếu làm việc từ xa. Vì vậy, công việc trở nên kém thú vị và không cho họ thêm kiến thức.
Thứ hai, khi làm việc từ xa những cơ hội học hỏi khi đối thoại trực tiếp với đồng nghiệp biến mất, thay bằng tin nhắn qua ứng dụng liên lạc. Một khi đã sử dụng công cụ nhắn tin, chúng ta sẽ quen với nó và giao tiếp với nhau qua màn hình ngay cả khi chỉ ngồi cách nhau vài bước chân. Nó khiến cho các nhân viên mới khó nắm bắt và tiếp thu hơn.
Khi làm việc từ xa, những tiêu chuẩn và kỳ vọng làm nên văn hóa của một công ty không dễ đạt được. Do đó, người mới gia nhập tổ chức sẽ cảm thấy áp lực, đặc biệt với những ai vừa tốt nghiệp, chưa có trải nghiệm trong môi trường chuyên nghiệp. Khi Gartner đặt câu hỏi về điều gì khiến họ đến văn phòng, Gen Z nhắc đến "ám ảnh xã hội".
Do không có mặt tại văn phòng, họ không thể quan sát được những người khác đang làm như thế nào. Họ không biết đến các tiêu chuẩn tại nơi làm việc, cách thực hiện hay tiến hành công việc, dẫn đến bất an. Thời gian để tìm hiểu xem làm công việc như thế nào thậm chí còn lâu hơn thời gian làm việc.
Cuối cùng là rối loạn lo âu hậu đại dịch. Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của tất cả mọi người. Sự cô lập do dịch bệnh gây ra đặc biệt gây tổn hại đến người trẻ. Tháng 6/2021, khảo sát của McKinsey chỉ ra Gen Z có xu hướng trầm cảm hay lo âu nhiều hơn 1,5 lần so với người khác. Nó gia tăng gánh nặng cho khủng hoảng sức khỏe tinh thần mà họ vốn đang phải chịu đựng.
Các doanh nghiệp dường như đều nhận thức được vấn đề này nhưng họ lại chọn giải pháp khá sai lầm: yêu cầu mọi người quay lại văn phòng. Meta, công ty mẹ Facebook, lý giải nhân viên sẽ tìm thấy nhiều cơ hội hơn khi làm việc trực tiếp. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra ép người trẻ đến văn phòng chỉ làm mọi thứ tồi tệ hơn.
Dữ liệu từ Gartner gợi ý Gen Z sẽ cảm thấy gắn bó hơn nếu làm việc tại chỗ là một lựa chọn thay vì bắt buộc. 65% nói sẵn sàng ở lại nếu họ có thể làm việc linh hoạt. Gallup cũng đồng tình khi ghi nhận tỷ lệ gắn bó giảm mạnh nhất trong số các nhân viên bị bắt đến văn phòng dù công việc hoàn toàn có thể làm từ xa. Làm việc từ xa có thể mang đến thách thức cho nhân viên trẻ, nhưng nhiều người vẫn muốn lịch trình kết hợp, tự do lựa chọn. Tước bỏ quyền lợi này không phải giải pháp tăng mức độ gắn kết.
Theo chuyên gia Duffy, yêu cầu quay lại văn phòng cứng nhắc là sai lầm lớn. Chúng ta sẽ nhận thấy hiệu suất thực sự sụt giảm và mệt mỏi tăng lên. Vì vậy, họ nên cân nhắc các giải pháp khác như biến văn phòng thành nơi đáng giá, sắp xếp lại không gian để cộng tác và giao lưu, cho phép mọi người đến muộn hơn về sớm hơn, tránh giờ tắc đường.
Bên cạnh đó, quy định cụ thể các yêu cầu và kỳ vọng tại nơi làm việc, chẳng hạn có cần trả lời email vào cuối tuần không hay số ngày nghỉ phép là bao nhiêu. Tiếp đến, cấp quản lý nên định kỳ trao đổi và đưa ra phản hồi có ý nghĩa cho nhân viên, nó quan trọng hơn nhiều so với ngồi làm việc ở đâu. Sau cùng, tạo cơ hội để nhân viên lên tiếng, đặt câu hỏi thông qua các buổi họp trực tiếp, thực hiện khảo sát. Điều cần ghi nhớ là lãnh đạo phải thực sự lắng nghe, giải đáp và hành động thay vì chỉ nghe suông.
Tất cả những điều nói trên đều nhằm mục đích biến văn phòng thành nơi đáng lui tới và cải thiện mức độ gắn bó của nhân viên, đặc biệt là Gen Z.
Huy Phương (Theo Insider)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×
Tags:Gen Z
chán việc
công sở
Covid-19
work from home
freelancer
làm việc tại nhà
Tin cùng chuyên mục