Lễ hội Sen Đôn
Sen Đôn - Ta là lễ hội truyền thống diễn ra hằng năm vào khoảng cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 theo lịch Khmer.
Năm nay, Lễ kéo dài trong ba ngày từ 01/10/2024 (29/08 Âm lịch) đến 03/10/2024 (01/9/2024 Âm lịch) với các hoạt động cúng dường, dâng lễ vật tại chùa và tại nhà để tưởng nhớ tổ tiên đã khuất. Người Khmer tin rằng, trong những ngày này, linh hồn của ông bà, tổ tiên sẽ trở về đoàn tụ với con cháu, nhận được những lời cầu nguyện và vật phẩm mà con cháu dâng lên.
Nghi thức Phchum Bên chùa Sê Rây Vongsa (chùa Hòa Bình Mới) huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu.
Tinh thần hiếu thảo là giá trị cốt lõi của lễ Sen Đôn - Ta
Trong văn hóa Khmer, lòng biết ơn và sự kính trọng đối với ông bà, cha mẹ là một phẩm chất đáng quý và là nền tảng của mối quan hệ gia đình và cộng đồng. Lễ Sen Đôn - Ta giúp củng cố và nuôi dưỡng những giá trị tốt đẹp này qua từng thế hệ.
Trong những ngày lễ, các bậc cha mẹ, ông bà thường kể lại cho con cháu nghe về cuộc sống và công lao của tổ tiên, nhắc nhở về đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Đây là cơ hội để thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cội nguồn, biết trân trọng công lao của cha mẹ và ông bà, cũng như hiểu được tầm quan trọng của việc duy trì mối quan hệ gia đình bền chặt, gắn bó.
Lễ Sen Đôn - Ta mang tính cộng đồng sâu sắc
Vào dịp Lễ Sen Đôn - Ta, người Khmer cùng nhau đến chùa dâng lễ, tụ họp tại nhà để cúng tổ tiên, thể hiện tình đoàn kết và sự chia sẻ trong cuộc sống. Chính qua những hoạt động này, con cháu được dạy về tình làng nghĩa xóm, lòng yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.
Lễ Sen Đôn - Ta bắt đầu với việc dâng lễ vật tại chùa, nơi các sư thầy thực hiện các nghi lễ cúng bái, tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên. Các gia đình Khmer mang theo gạo, trái cây, bánh trái và nhiều lễ vật khác đến dâng cúng, thể hiện lòng thành kính và sự biết ơn đối với ông bà, tổ tiên.
Nghi thức dâng vật thực trong lễ "Trai tăng".
Tại nhà, các gia đình cũng thực hiện các nghi thức cúng bái với bàn thờ tổ tiên được trang hoàng đẹp đẽ. Đặc biệt, những món ăn truyền thống như bánh gừng, bánh ít hay cơm lam được chuẩn bị chu đáo, mang đậm hương vị văn hóa Khmer.
Nhà thơ Thạch Đờ Ni (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ: "Nghi thức dâng vật thực trong lễ 'Trai tăng' thông qua sư và lời kinh để hồi hướng các vật thực đến người thân đã quá vãng. Ý nghĩa cầu nguyện người thân quá vãng siêu sinh cực lạc, cầu cho gia đình được khỏe mạnh bình an sung túc. Tùy theo từng địa phương có mật độ gia đình đông mà các vị sư ít không đi kịp đến từng nhà trong dịp này thì các gia đình chỉ cúng dâng vật thực lên bàn thờ thôi".
Trẻ em đặt cơm dâng ông bà quá vãng.
Ngoài ra, dịp lễ hội Sen Đôn -Ta để các thành viên trong gia đình sum họp, trò chuyện và cùng nhau thực hiện các nghi lễ truyền thống. Thông qua đó, là cơ hội để giáo dục con cháu về tình yêu thương gia đình, lòng hiếu thảo và trách nhiệm gìn giữ truyền thống văn hóa. Đồng thời, cộng đồng Khmer thể hiện một tinh thần đoàn kết, bền chặt và lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Lễ hội Sen Đôn - Ta vì vậy đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển bản sắc văn hóa độc đáo Khmer, nêu cao tinh thần hiếu thảo giữa các thế hệ.
Thành Hải
Tags:Lễ hội Sen Đôn - Ta
Lễ hội Sen Đôn - Ta của đồng bào Khmer
lễ hội của đồng bào Khmer
Tin cùng chuyên mục