Phát hiện 2 ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngành y tế chỉ đạo khẩn
Trước đó, Sở Y tế Thanh Hóa nhận được công văn của Bệnh viện Nhi Trung ương về việc phát hiện 2 ca bệnh whitmore được chuyển đến từ Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.
Bệnh nhân Trần Minh N. (SN 2007), trú thôn Kim Sơn, xã Mai Lâm, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Quá trình khám, xét nghiệm chẩn đoán trẻ bị suy đa tạng, shock nhiễm khuẩn whitmore.
Phát hiện 2 ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, ngành y tế Thanh Hóa chỉ đạo khẩn (Ảnh: D.C).
Bệnh nhi Lê Ngọc Q. (SN 2012), trú xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống, Thanh Hóa. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, kết quả cấy dịch mủ phát hiện ra trực khuẩn gram âm Burkholderia pseudomallei. Chẩn đoán áp xe phần mềm vùng trước tai phải/whitmore.
Trước tình hình trên, Sở Y tế Thanh Hóa yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh này tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, cộng đồng chủ động phòng bệnh whitmore với biện pháp dự phòng cơ bản nhất là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi, tăng cường công tác vệ sinh cá nhân, vệ sinh lao động; hạn chế tiếp xúc với đất hoặc nước bùn, đặc biệt là nơi bị ô nhiễm nặng.
Sử dụng các phương tiện bảo hộ lao động (giày, dép, găng tay...) đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Ngành y tế khuyến cáo, khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.
Với những người có bệnh mãn tính như tiểu đường, suy giảm miễn dịch... cần được chăm sóc, bảo vệ các tổn thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn. Khi có nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện, xét nghiệm xác định nhiễm vi khuẩn whitmore để được điều trị kịp thời.
Đối với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh whitmore trên địa bàn. Tăng cường giám sát dịch tại các bệnh viện theo phân cấp, kịp thời phát hiện những trường hợp mắc bệnh whitmore để chủ động triển khai phòng, chống trong cộng đồng.
Triển khai tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống whitmore cho cộng đồng, đặc biệt là tại các khu vực đã ghi nhận ca bệnh, chú trọng khuyến cáo người dân các biện pháp phòng, chống dịch.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thường xuyên tập huấn cho nhân viên y tế tham gia khám, phát hiện, điều trị người bệnh mắc whitmore; cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện và tổ chức tốt việc thu dung, khám, phân loại và điều trị bệnh whitmore; dự trù vật tư, hóa chất, thuốc thiết yếu phục vụ chẩn đoán và điều trị; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người bệnh và người dân hiểu rõ đường lây truyền và biết cách phòng, chống bệnh whitmore; thực hiện tốt quy trình kỹ thuật chuyên môn, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và xử lý chất thải y tế, giám sát nhiễm khuẩn tại đơn vị, nhân viên y tế phải tuân thủ đúng hướng dẫn phòng ngừa chuẩn và phòng tránh lây chéo tại cơ sở y tế.
Whitmore (hay còn gọi là bệnh melioidosis) là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do loài vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Whitmore có bệnh cảnh lâm sàng rất đa dạng, tiến triển nhanh và có thể gây tử vong nhanh với tỷ lệ tử vong cao nếu bệnh nhân không được chẩn đoán đúng và điều trị kháng sinh phù hợp.
Tin cùng chuyên mục