13/11/2023 13:14

“Sống thử” trước hôn nhân: Liều thuốc thử hay chiếc lồng giết chết tình yêu

“Sống thử” trước hôn nhân: Liều thuốc thử hay chiếc lồng giết chết tình yêu

Vết thương lòng sau những cuộc "sống thử"

Tốt nghiệp cao đẳng nghề, chị N. về làm việc ở quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ và sinh sống trong một khu nhà trọ đông người.

Trong số những người bạn cùng thuê chung nhà trọ, chị có cảm tình với anh Q. và 2 người nhanh chóng nảy sinh tình cảm.

Sau một thời gian yêu nhau, anh Q. thuyết phục chị về ở chung phòng để vừa tiện chăm sóc, vừa tiết kiệm chi phí khi xa nhà. Với những lời đường mật “trước sau gì anh cũng cưới em” nên chị N. đã gật đầu về chung phòng với Q. và không chỉ sẵn sàng trao thân mà còn lấy cả tiền dành dụm lo cho Q.

Thời gian đầu hai người như vợ chồng son, sau giờ làm đưa nhau đi chơi vui vẻ. Nhưng rồi khi chị N. có thai Q. đã một mực bảo chị bỏ vì còn phải kiếm tiền lo tương lai, rồi chưa cưới mà có con sợ người thân dị nghị.

Cũng từ đó Q. thay đổi thái độ, không còn quan tâm chị N. như xưa. Mỗi khi chị trách móc thì anh phũ phàng: “Thích thì tiếp tục, không thì chia tay, đâu có gì ràng buộc”.

“Sống thử” trước hôn nhân: Liều thuốc thử hay chiếc lồng giết chết tình yêu

Sau những đổ vỡ của “sống thử” phụ nữ thường chịu nhiều thiệt thòi, có khi phải nuôi con một mình (ảnh mang tính minh họa).

Biết mình “lép vế”, chị N. nín nhịn chịu đựng. Đến khi có thai lần nữa chị N. quyết định giữ lại trong khi thấy chị không nghe lời, anh Q. càng thể hiện sự bạc bẽo, vô trách nhiệm. Cũng may lúc này mẹ chị biết chuyện đã làm điểm tựa giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn.

Sau khi sinh em bé, vợ chồng người chị ruột của N. xin làm con nuôi, hỗ trợ chăm sóc bé khi chị đi làm xa. Quyết tâm cắt đứt với Q., chị N. nghỉ việc công ty cũ, tìm công việc khác ổn định. Mọi chuyện đã trôi qua nhưng gần 4 năm “sống thử” đã gây cho chị vết thương lòng khó nguôi ngoai.

Tương tự, sau khi ly hôn chồng, chị T. ở quận Cái Răng - TP. Cần Thơ nhận nuôi con trai. Công việc của chị khá bận rộn, thường đi công tác tỉnh nên phải gửi con ở với ngoại. Xinh đẹp, khéo ăn nói nên chị T. có nhiều "vệ tinh" vây quanh. Rồi chị vướng vào "lưới tình" với một đối tác tên A., cũng từng đổ vỡ hôn nhân.

Hai người thỏa thuận “sống thử” một thời gian, nếu thấy phù hợp thì tiến tới, đăng ký kết hôn. Trong quá trình chung sống, chị T. có đưa tiền hùn hạp làm ăn cùng anh A. Nhưng với tâm lý “không hợp thì bỏ” nên anh A. sống hời hợt, chỉ biết hưởng thụ trong khi chị T. trót đặt nặng tình cảm đã bỏ qua những khuyết điểm của chồng hờ.

Nhưng rồi đến ngưỡng chịu đựng, khi chứng kiến A. ngang nhiên nhiều lần giỡn hớt, đùa cợt quá giới hạn với những người phụ nữ khác trước mặt mình chị T. đã quyết định dừng lại.

Sau lần đó, chị T. cũng “nháp tình yêu” vài lần nữa nhưng đều gặp cảnh đối phương cả thèm chóng chán. Những mối quan hệ không đi tới đâu đã lấy của T. không ít nước mắt, sự mệt mỏi và cả tiền bạc.

Một trường hợp khác là chị P., hiện sinh sống tại một nhà trọ ở quận Ninh Kiều - TP. Cần Thơ. Chị kể đã chia tay bạn trai và đang sống một mình, còn con gái 2 tuổi gửi về quê nhờ ngoại nuôi.

Trước đây, sau khi tốt nghiệp đại học, chị P. làm nhân viên tiếp thị ô tô cho nhãn hàng lớn ở Cần Thơ. Sau đó, chị quen và chung sống với bạn trai làm trong ngành kinh doanh thực phẩm. Những lời hứa hẹn “khi có tiền sẽ làm đám cưới lớn cho em nở mày nở mặt” khiến chị nuôi hy vọng, hết lòng vun vén tổ ấm như người vợ thực thụ.

Thế rồi chị có thai, sinh con, yêu cầu đăng ký kết hôn để con có cha thì người yêu tìm cách thoái thác. Chị tìm về quê thưa chuyện thì gia đình bạn trai đối xử nhạt nhẽo, lời ra tiếng vào. Thấy khó có thể tiến tới, chị ra về trong cay đắng, chấp nhận cảnh nuôi con một mình. Sau cú sốc, như con chim sợ cành cong, chị không dám mở lòng đón nhận tình cảm của ai, nỗ lực kiếm tiền lo cho con, bù đắp thiệt thòi.

Chị P. kể, trong nhà trọ đang ở cũng có vài cặp đôi “sống thử”. Để lách việc kiểm tra giấy tờ, các trường hợp này thuê 2 phòng riêng, rồi qua lại với nhau trên danh nghĩa bạn bè, hễ chủ nhà trọ hoặc công an kiểm tra thì ai về phòng nấy. Đa số quan hệ của các cặp đôi này không lâu bền vì sau một thời gian tạm bợ, những va chạm trong cuộc sống hằng ngày làm cho người ta chán nhau; chuyện xích mích, giận hờn, dọn đi… vì thế xảy ra thường xuyên.

Hạnh phúc chỉ thực sự đến khi hôn nhân xuất phát từ tình yêu

Quan hệ tình dục hay “sống thử” trước hôn nhân theo kiểu “yêu thoáng” đang khá phổ biến, không chỉ trong giới trẻ mà với cả những người đã dày dặn trải nghiệm. Đây là vấn đề xã hội đáng lo ngại, dù với lý do gì thì cũng là một sự mạo hiểm đầy bất trắc, nhất là đối với phụ nữ.

Với suy nghĩ đã trao thân không còn gì để mất, người nữ thường bị lệ thuộc, chịu nhiều thiệt thòi trong một mối quan hệ không có gì đảm bảo cho tương lai.

Bên cạnh ảnh hưởng về mặt sức khỏe, tâm lý, "sống thử" còn gây ra hậu quả khó lường khi những cuộc “hôn nhân nháp” này kết thúc. Nhiều điều không mong muốn xảy ra như nạo phá thai, con cái sinh ra chưa được pháp luật công nhận, nghiêm trọng hơn nữa là kéo theo nhiều căn bệnh nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sau này.

Để tránh những chuyện đáng tiếc, mỗi người hãy sống có trách nhiệm, biết giữ mình, tỉnh táo trước những cám dỗ dễ đẩy mình vào con đường buông thả. Hạnh phúc chỉ thật sự đến khi có nền tảng là tình yêu và hôn nhân bền vững.

-> "Sống thử" trước hôn nhân: Phép thử hay là sự mạo hiểm?

Kiều Chinh

Tags:

Giới trẻ sống thử

có nên sống thử trước hôn nhân

hậu quả của sống thử trước hôn nhân

Tin cùng chuyên mục