Thảm kịch đêm Halloween ở Hàn Quốc: Bài học đắt giá và đau lòng
Như Dân trí đã thông tin, đêm 29/10 vừa qua, ít nhất 151 người đã thiệt mạng và 82 người khác bị thương trong thảm họa giẫm đạp kinh hoàng xảy ra trong lễ hội Halloween tổ chức ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc).
Theo các nhân chứng, thảm kịch xảy ra khi dòng người tham gia lễ hội Halloween bị dồn vào một con dốc hẹp ở khu phố Itaewon đông đúc. Một vài người đã bị vấp ngã nhưng đám đông vẫn tiếp tục tiến lên phía trước, gây ra cảnh giẫm đạp.
Thảm kịch giẫm đạp xảy ra tại sự kiện lễ hội tổ chức ở Seoul (Hàn Quốc) không phải là lần đầu tiên thế giới chứng kiến bi kịch giẫm đạp xảy ra tại một sự kiện đông người vốn được tổ chức để phục vụ mục đích vui chơi, giải trí.
Thảm họa giẫm đạp trong lễ hội Halloween ở Hàn Quốc (Ảnh: Yonhap).
Nhiều chuyên gia, người nổi tiếng hoạt động trong lĩnh vực văn hóa ở Việt Nam đã có những chia sẻ, nhìn nhận và đánh giá trước thảm kịch này.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chia sẻ vớiDân trí: "Chúng ta thấy rằng trong những năm vừa qua, các sự kiện trong đời sống văn hóa quốc tế tổ chức rất nhiều ở Việt Nam. Nó thể hiện quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã tác động đến văn hóa của các quốc gia. Các quốc gia một mặt phải tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới, mặt khác phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc nếu không sẽ chịu tiêu cực rất lớn từ quá trình hội nhập này.
Nếu chúng ta ví quá trình mở cửa, quá trình hội nhập quốc tế là đón gió thì có cả cơn gió lành và cả cơn gió độc.
Cách làm tốt nhất của chúng ta là đón được gió lành và hạn chế tối đa cơn gió độc. Chúng ta phải thấy được tính tất yếu của việc các sự kiện quốc tế sẽ được tổ chức nhiều ở nước ta và thấy rằng đây là một điều chúng ta không thể tránh khỏi. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận để có sự chuẩn bị, những kinh nghiệm trong việc tổ chức các sự kiện, lễ hội lớn".
Theo ông Sơn, bản chất của lễ hội là những cuộc vui đông người, chính vì thế trong bất kì lễ hội nào, cũng đều diễn ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, hỗn loạn và chứa đựng rất nhiều nguy cơ dẫn đến thảm kịch như Hàn Quốc vừa qua.
"Từ trước đến nay, chúng ta vẫn tổ chức lễ hội theo kiểu chủ yếu giao cho một đơn vị nào đó, tổ chức theo khả năng, điều kiện và nhận thức của mỗi địa phương. Nhưng càng ngày sẽ càng khó khăn hơn vì quy mô của các lễ hội sẽ lớn hơn với sự tham gia của rất nhiều người.
Chính vì thế, chúng ta cần tổ chức các sự kiện, lễ hội như thế này một cách chuyên nghiệp và phải có sự tham gia của rất nhiều cơ quan, đơn vị, ban ngành hay các tổ chức. Cần phải có đơn vị chịu trách nhiệm để tạo ra sự phối hợp với tất cả các bên. Việc tổ chức lễ hội, sự kiện không đơn thuần chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa mà nó liên quan đến cả giao thông vận tải, y tế, điện lực và an ninh…
Chúng ta cần có đầu mối, có sự phối hợp để tổ chức sự kiện này một cách chuyên nghiệp hạn chế những tổn thất lớn xảy ra", ông Sơn nhấn mạnh.
Ông Sơn nói về thảm kịch tại Hàn Quốc: "Thảm kịch Halloween ở Thủ đô Seoul, Hàn Quốc là bài học rất đắt giá và đau lòng, chúng ta phải rút ra được những kinh nghiệm và cần nhận thức tốt hơn để chúng ta có thể thực hiện tốt hơn trong thời gian sắp tới."
Ông Sơn cho biết thêm, đây không phải sự kiện đầu tiên, trước đó một vài tháng, thảm kịch bóng đá ở Indonesia đã cướp đi sinh mạng của hơn 100 người. "Bây giờ là lúc chúng ta phải suy nghĩ sâu sắc, kỹ lưỡng hơn, nghiêm túc hơn về cách tổ chức các sự kiện, lễ hội có đông người tham dự ở Việt Nam", ông Sơn chia sẻ.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Đồng quan điểm, chuyên gia văn hóa Nguyễn Hùng Vỹ cho biết: "Những vụ thảm kịch do một đam mê, yêu thích hay một tín ngưỡng đã xảy ra rất nhiều trên thế giới. Đặc biệt là những lễ hội, cuộc hành hương của hồi giáo đã xảy ra quá nhiều vụ gãy cầu, giẫm đạp. Trong thể thao cũng nhiều vụ như vậy khi tập trung quá đông người, bị dồn vào tình thế nào đó và gây ra tai nạn rất đáng tiếc.
Đáng buồn hơn, những sự việc đau lòng như thế thời gian gần đây nó lại xảy ra càng nhiều hơn trên thế giới. Chính vì vậy, Việt Nam chúng ta không nên chủ quan và phải nhận thức sâu sắc được vấn đề, xem đấy là bài học để áp dụng quy trình quản lý đám đông, có những kinh nghiệm để tổ chức những sự kiện, lễ hội lớn có đông người tham gia".
Liên quan đến vụ thảm họa giẫm đạp trong lễ hội Halloween ở Hàn Quốc, trên trang cá nhân, nhạc sĩ Quốc Trung cũng có những chia sẻ bày tỏ quan điểm của mình: "Mọi sự kiện trên 1 nghìn người đều tiềm ẩn những rủi ro và nếu là một lễ hội trên 5 nghìn người thì nguy cơ thảm họa tiềm ẩn phải được dự trù một cách nghiêm túc.
Tôi khá chắc chắn là gần như tất cả các sự kiện hay được "phóng" lên vài chục nghìn người ở Việt Nam chưa bao giờ được dự tính đến kế hoạch thoát hiểm khi xảy ra thảm họa. Chẳng mấy chỗ có khái niệm "Crowd Safety" và có một kế hoạch rõ ràng về việc này."
Nhạc sĩ Quốc Trung khẳng định, không ai có khả năng giải quyết một đám đông vài nghìn đến vài chục nghìn người hoảng loạn. Mọi việc phải được dự tính, theo dõi để không xảy ra bất cứ một mầm mống nào cho việc hoảng loạn sẽ được lan đi theo tốc độ âm thanh trong đám đông.
Nhạc sĩ Quốc Trung (Ảnh: Facebook nhân vật).
Theo nhạc sĩ, phải có kế hoạch và một bộ phận giám sát đến từng người trong đám đông đó để có thể nhanh chóng giải quyết hoặc điều phối trước khi nó trở nên hỗn loạn.
"Ngoài một kế hoạch thì cần những người có kinh nghiệm để đưa ra những quyết định đúng đắn, kịp thời. Dừng lại hay tiếp tục sự kiện là một quyết định không được phép sai. Đặc biệt không bao giờ nên sử dụng vũ lực can thiệp.
Thảm họa chỉ xảy ra khi đám đông đó không còn vui vẻ. Đó là mẫu chốt của vấn đề. Nếu chuẩn bị kỹ có thể sẽ không bao giờ phải dùng đến nhưng nếu không chuẩn bị thì tại họa có thể đến bất cứ lúc nào", nhạc sĩ Quốc Trung viết.
Tin cùng chuyên mục