24/04/2024 10:01

Tình trạng 'thừa nam, thiếu nữ' ở Việt Nam tăng rất nhanh, lan rộng khắp nơi

Tất cả 6 vùng kinh tế - xã hội tại Việt Nam, đặc biệt đồng bằng sông Hồng, đều có tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nhiều nơi trở nên nghiêm trọng.

Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh thực sự trở thành thách thức từ đầu những năm 2000, đặc biệt rõ rệt hơn từ năm 2006, khi tỷ số này tăng lên 109 bé trai/100 bé gái.

Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, năm 2022, tỷ số này ở nước ta là 112,1 trẻ trai trên 100 trẻ gái, tương đương 2 năm trước đó. Lãnh đạo Tổng cục Dân số đánh giá vấn đề xã hội bất thường này đang trở nên nghiêm trọng.

"Tình trạng mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tuy xuất hiện muộn so với các nước nhưng tăng nhanh và lan rộng. Hiện 6 trên 6 vùng kinh tế - xã hội trong cả nước, đặc biệt tại đồng bằng Sông Hồng và vùng miền núi trung du phía Bắc", Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), thông tin tại hội thảo về tình trạng này, sáng 20/6.

Tình trạng 'thừa nam, thiếu nữ' ở Việt Nam tăng rất nhanh, lan rộng khắp nơi

TS Phạm Vũ Hoàng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số. Ảnh: Duy Thắng

Theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước có 21 tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi cao hơn mức trung bình cả nước. Một số địa phương có tỷ số này cao như Sơn La (117), Nghệ An (116,6), Hà Nội (112)… Trong khi đó, nhiều tỉnh miền Tây Nam bộ có tỷ số dưới 108.

Xuất hiện muộn nhưng tăng rất nhanh, mất cân bằng giới tính ở Việt Nam cũng có những điểm khác biệt.

Ông Hoàng cho biết mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam cao ngay từ lần sinh đầu tiên, cao hơn hẳn ở những lần sinh sau, đối với những gia đình chưa có con trai, đặc biệt với những gia đình có 2 con gái và chưa có bé trai nào.

Mức độ mất cân bằng ở nước ta cao hơn nhiều ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao hơn và điều kiện kinh tế khá giả.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng theo ông Hoàng, gốc rễ và cốt lõi là do định kiến giới, tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào từng người dân Việt; xuất hiện từ khi chuẩn bị kết hôn đến khi có con, trước khi có con và có con, đến lúc qua đời.

Lạm dụng khoa học kỹ thuật để lựa chọn giới tính thai nhi cũng là nguyên nhân chính được chỉ ra.

Hậu quả không chỉ là thừa nam, thiếu nữ

"Dư thừa nam giới, thiếu hụt nữ giới, sẽ khiến nhiều đàn ông phải sống độc thân", ông Hoàng nói. Theo số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu đàn ông vào năm 2034 và sẽ tăng lên 2,5 triệu vào 25 năm sau đó.

Theo các nhà khoa học xã hội, tác động chính của hiện tượng mất cân bằng sẽ liên quan tới quá trình hình thành và cấu trúc gia đình, đặc biệt là hệ thống hôn nhân. Nam giới trẻ bị dư thừa, có thể phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng khi tìm kiếm bạn đời, trì hoãn hôn nhân hoặc sống độc thân.

Điều này sẽ tác động ngược lại hệ thống gia đình trong tương lai, nhất là trên thực tế, các xã hội này đều có hệ thống gia đình phụ hệ (theo họ cha) và trước kia hầu hết nam giới đều lập gia đình.

Làm thế nào để khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng và đưa về mức tự nhiên vẫn là câu hỏi lớn và thường trực của ngành dân số.

Tỷ số giới tính khi sinh (SRB) được xác định bằng số bé trai trên 100 bé gái được sinh ra sống. Tỷ số này thông thường là 104-106/100.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, dưới 109. Tổng cục Dân số nhận định mục tiêu này rất khó khăn, khi từ nay đến đó, mỗi năm phải giảm 0,4 điểm phần trăm, trong khi 8 năm trước, với nhiều nguồn lực và tác động, nhưng mỗi năm chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm.

Võ Thu

Tags:

thừa nam

thiếu nữ

Tin cùng chuyên mục