Hỗ trợ chính sách bảo hiểm xã hội
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để mở rộng độ bao phủ tham gia bảo hiểm xã hội cần có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội.
Người lao động làm thủ tục tại BHXH TPHCM. Ảnh: Sỹ Đông.
Cần thiết phải có sự hỗ trợ từ Nhà nước
Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTBXH đã đề xuất một số chính sách cần thiết phải có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) như: trợ cấp hưu trí xã hội; trợ cấp thai sản đối với người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện; bảo hiểm y tế đối với người hưởng trợ cấp hằng tháng trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Bộ LĐTBXH cho rằng, để đạt được mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW, ứng phó hiệu quả với quá trình già hóa dân số, bên cạnh các giải pháp về chính sách, vai trò của nhà nước hỗ trợ người dân tham gia và thụ hưởng quyền lợi BHXH là nhân tố quyết định để đạt được mục tiêu đến năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, tương đương 29,4 triệu người, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi, tương đương 2,45 triệu người.
Khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng, và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 8,94 triệu người. Tuy nhiên, đến hết năm 2022 mới chỉ có 35% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội, tương đương 5,1 triệu người.
Theo Bộ LĐTBXH, Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã tổng hợp kinh nghiệm triển khai thực hiện chính sách BHXH của hơn 100 quốc gia trên thế giới cho thấy, rất ít quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người 20.000 USD/năm đạt được diện bao phủ BHXH 60% lực lượng lao động trong độ tuổi nếu không có sự hỗ trợ từ NSNN. Muốn mở rộng diện bao phủ BHXH chỉ có con đường duy nhất là phải phát triển song song cả hai chính sách, đó là quy định việc tham gia bắt buộc đối với đối tượng lao động có quan hệ lao động và quy định việc tham gia BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ NSNN đối với nhóm đối tượng còn lại (lao động không có quan hệ lao động bằng hợp đồng lao động).
Tăng quyền lợi cho người tham gia
Trước đề xuất của Bộ LĐTBXH, đã có nhiều ý kiến khác nhau trong đó với đề xuất bổ sung chế độ hưởng trợ cấp thai sản 2 triệu đồng cho người tham gia BHXH tự nguyện, kinh phí do NSNN đảm bảo trong góp ý mới đây, Bộ Tài chính đề nghị bố trí từ nguồn quỹ BHXH để thực hiện chính sách này. Theo Bộ Tài chính, để khuyến khích phát triển BHXH tự nguyện, NSNN đã hỗ trợ mức đóng BHXH cho nhóm này. Cụ thể, hỗ trợ 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% đối với người tham gia thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với đối tượng khác trên mức đóng BHXH hằng tháng tính theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn. Theo quy định tại Luật BHXH, mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng của người tham gia. Từ đó, Bộ Tài chính đưa ra quan điểm dùng quỹ BHXH để thực hiện chính sách.
Góp ý cho dự luật, Bộ Công thương nhất trí đề xuất bổ sung chế độ thai sản vào nhóm quyền lợi mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng khi lao động nữ sinh con hoặc khi lao động nam đang đóng BHXH mà có vợ sinh con. Điều kiện hưởng chế độ thai sản trong trường hợp này là người lao động phải đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Tuy nhiên, Bộ Công thương đề nghị với việc tham gia BHXH tự nguyện, người lao động sẽ nhận được trợ cấp thai sản theo tỉ lệ (có thể từ 30% đến 50%) bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH trên một con sinh ra thay vì 2 triệu đồng như dự thảo. Nguồn kinh phí chi trả sẽ do NSNN bảo đảm.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ LĐTBXH cho biết, hiện lao động đóng BHXH tự nguyện được hưởng hai chế độ dài hạn là hưu trí và tử tuất. Không được hưởng các chế độ khác là ốm đau, thai sản, bệnh nghề nghiệp như những người tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH tự nguyện không thấy các quyền lợi trước mắt, do đó chính sách BHXH hiện hành còn kém hấp dẫn đối với họ.
Về lý do tại sao dùng tiền từ NSNN chi trả, đại diện Bộ LĐTBXH giải thích: Mức đóng hiện nay của người tham gia BHXH tự nguyện chỉ cân đối được chế độ hưu trí và tử tuất. Nếu thêm chế độ thai sản, cần phải tăng mức đóng nhưng tăng mức đóng thì chính sách kém hấp dẫn nên cần hỗ trợ từ NSNN để mức đóng vẫn giữ nguyên mà quyền lợi thì tăng.
Từ các căn cứ trên, Bộ LĐTBXH thống nhất cần có sự hỗ trợ từ NSNN để bổ sung thêm chính sách, gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, thu hút người dân tham gia BHXH.
Liên quan đến vấn đề BHXH và rút BHXH một lần, kết quả khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho thấy, xu hướng này còn chưa dừng lại khi mà người lao động vẫn có nguy cơ bị mất việc rất cao trong nửa cuối năm 2023 và phần lớn trong số họ ít có nguồn tài chính dự trữ để duy trì cuộc sống trước mắt. Do đó, đề xuất được đưa ra là nghiên cứu cho người lao động sử dụng sổ BHXH để vay tiêu dùng ngắn hạn trong bối cảnh thu nhập giảm sút hoặc việc làm bấp bênh.
Chủ đề: chính sách Hỗ trợ xã hội bảo hiểm
Tags:Hỗ trợ
chính sách
bảo hiểm
xã hội
Tin cùng chuyên mục