03/10/2023 09:59

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Diễn đàn là cơ hội để các cơ quan báo chí chia sẻ nguyện vọng, sớm đạt được sự thống nhất về giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong công tác thực hiện truyền thông chính sách của báo chí, để truyền thông thực sự là nguồn lực quan trọng, tạo nên sức mạnh, hiệu quả trong xây dựng, thực hiện các chính sách.

Tham dự và chủ trì Diễn đàn có ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; ông Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam; ông Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh; ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Đảng; ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Cùng dự Diễn đàn còn có gần 120 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, đại diện lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hà Nam, lãnh đạo Sở TT& TT các tỉnh cùng nhiều khách mời, phóng viên từ các cơ quan báo chí.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: “Mỗi năm một lần, trong khuôn khổ Gala Báo chí, báo Nhà báo & Công luận tổ chức Diễn đàn Tổng Biên tập với mong muốn là nơi để lãnh đạo các cơ quan quản lý báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ về những vấn đề cũng như những áp lực, thách thức mà các toà soạn đang và sẽ phải đối mặt trong dòng chảy biến động không ngừng của đời sống báo chí, truyền thông, từ đó cùng nhau kiến nghị, đề xuất những giải pháp tháo gỡ”.

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhận định: "Cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương, bộ, ban ngành vẫn còn xem nhẹ công tác truyền thông chính sách; thiếu kế hoạch, thiếu chủ động, thiếu chuyên nghiệp trong cung cấp thông tin. Hệ quả là thời gian qua đã để xảy ra những không ít sự cố, khủng hoảng truyền thông trên một số lĩnh vực, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Nhà nước. Báo chí chính thống dù được xem là lực lượng chủ công, là cánh tay nối dài trong việc hỗ trợ truyền thông chủ trương chính sách, đưa thông tin từ Đảng, Nhà nước và những cơ quan bộ ngành, các địa phương đến với người dân, lắng nghe tiếng nói của người dân, từ đó tác động ngược trở lại với những người làm chính sách, nhưng vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, khó khăn lớn về cơ chế, nguồn lực để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của mình".

Báo chí phải tích cực tham gia vào việc hoạch định chính sách

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam gợi mở 4 nhóm vấn đề thảo luận tại Diễn đàn. Đó là: Hiểu thế nào cho đúng về truyền thông chính sách, sự khác nhau giữa tuyên truyền chính sách và truyền thông chính sách là gì? Thực tế việc thực hiện truyền thông chính sách thời gian qua: đâu là những bước tiến. đâu là những mặt còn hạn chế?; Vì sao trong bối cảnh hiện nay, cần phải coi trọng và nâng cao hơn nữa hiệu quả của truyền thông chính sách? Vai trò, sự cần thiết của báo chí trong việc tham gia hoàn thiện chính sách? Báo chí đã, đang tập trung thực hiện truyền thông chính sách vào những lĩnh vực nào (kinh tế, tài chính- ngân hàng, thuế, tiêu dùng...), theo những hình thức nào? Những kinh nghiệm cũng như những thách thức, khó khăn của các tòa soạn trong việc thực hiện truyền thông chính sách?

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

"Có những vấn đề có thể giải quyết sớm, có những vấn đề cần sự can thiệp của Bộ, ngành và thậm chí cao hơn để sửa đổi. Có những vấn đề nằm ở sự chủ động của các cơ quan báo chí, cần phải mạnh dạn, chủ động và năng nổ hơn từ các cơ quan báo chí thay vì chờ đợi nguồn kinh phí thì có thể tham gia truyền thông chính sách của các bộ ban ngành, địa phương với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, tăng nguồn thu cho cơ quan báo chí" – Ông Lê Quốc Minh nói.

Đồng hành để báo chí làm tốt công tác truyền thông chính sách

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, để có thể giúp cơ quan báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông chính sách, thì “hai bên cùng bắt tay với nhau để cùng thực hiện một cái việc chung và hai bên đều tìm được cái mình mong đợi. Một điều mà ông Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh nữa là việc cần phải cải thiện mối quan hệ về cả cơ chế, chính sách và kinh tế giữa báo chí và cơ quan chủ quan".

Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, hầu hết cơ quan báo chí hiện tại không nhận được sự hỗ trợ về tài chính đối với cơ quan báo chí của mình.

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (Ảnh: Công luận)

“Hiện nay rất nhiều cơ quan chủ quản đang hiểu sai về trễ tự chủ của cơ quan báo chí và nghĩ là tự chủ trong cái tự bơi”, ông Lâm đánh giá.

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đánh giá cao vai trò của công tác truyền thông chính sách của báo chí trong thời gian qua: "Thành công nhất là báo chí đã chuyển tải được những chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, tạo niềm tin, đồng thuận trong Nhân dân, để ý Đảng hòa quyện với lòng nhân dân và để tất chủ trương của Đảng và Nhà nước đến với người dân được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả. Chúng tôi cũng nhận thấy sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan báo chí để hướng tới nhân văn, hiện đại và chuyên nghiệp".

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Ông Trần Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương (Ảnh: Công luận)

Dù vậy, cho tới nay, công tác truyền thông chính sách vẫn chưa thực sự hiệu quả, thậm chí những cơ chế, nguồn lực để báo chí thực hiện tốt nhiệm vụ của mình vẫn chưa thực sự được quan tâm đúng mức.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo NTNN/Dân Việt, chia sẻ, báo chí là công cụ của Đảng, của các tổ chức chính trị, đoàn thể trước tiên báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị đó là phải làm đúng tôn chỉ mục đích. Có thể nói rằng khi có kinh phí truyền thông chính sách sẽ có chất lượng sâu hơn, thời lượng sẽ dày dặn.

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Ông Lưu Quang Định, Tổng biên tập báo NTNN/Dân Việt chia sẻ ý kiến tại Diễn đàn (Ảnh: Công luận)

"Chúng tôi khuyến nghị có bốn vấn đề, cụ thể: chúng ta cần phải hoàn thiện các thể chế chính sách về truyền thông chính sách để đặt hàng cho cơ quan báo chí hiện nay. Tiếp theo là về nhận thức của các cấp ủy, các bộ, ngành, địa phương cần phải đầy đủ hơn, coi việc truyền thông chính sách không chỉ là việc của báo chí mà làm việc của chính quyền, chính quyền phải chủ động đặt hàng báo chí. Thứ ba, đó là từ thể chế chính sách cho đến nhận thức một vấn đề nữa cần được đề cập đến là nguồn lực. Cuối cùng, một vấn đề rất kỹ thuật rất cụ thể đó là xây dựng định mức đơn giá kỹ thuật", ông Lưu Quang Định nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo giao thông nhìn nhận thẳng thắn: Báo chí đăng tải phổ biến, nhưng báo chí có đọc không lại là chuyện khác.

"Vì thế khi chúng ta xây dựng chính sách phải có bộ máy làm về truyền thông chính sách. Khâu tiêu thụ chính sách- giám sát việc thực hiện chính sách đó như thế nào, thực hiện có đúng không, báo chí giám sát như thế nào, báo chí lại vướng câu chuyện tôn chỉ mục đích, khen thì dễ phản biện thì khó. Gỡ cái này như thế nào? Tiếp nhận ra sao?", ông Nguyễn Bá Kiên nêu vấn đề.

Nhà nước – Báo chí: “Đồng thanh tương ứng” truyền thông chính sách hiệu quả

Ông Nguyễn Bá Kiên, Tổng biên tập Báo Giao thông (Ảnh: Công luận)

Ông nói thêm: "Trước năm 2023 chúng tôi tự chủ cấp 1, nhưng nay xin tự chủ cấp 2 cho nhẹ nhàng, bởi vì truyền thông chính sách chỉ được 6-7%. Bộ giao thông thừa nhận trong danh mục ngân sách công, không có truyền thông vì thế không có kinh phí, nên không phê duyệt được định mức kinh tế kỹ thuật. Nghị định 18 không thể áp dụng được nữa vì tính lương theo vị trí việc làm, không có mức lương cơ bản để tính. Cái cuối cùng vẫn phải quay lại câu chuyện định mức đơn giá. Có cách nào để xây dựng? Gỡ như thế nào là câu chuyện phải bàn".

Kết luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Minh cho rằng Diễn đàn này là một dịp rất tốt để các cơ quan báo chí nói lên tiếng nói của mình, để làm sao có thể thực hiện tốt nhiệm vụ cốt lõi của mình là truyền thông chính sách. Tuy nhiên, ông cũng đề nghị các cơ quan báo chí cần chủ động hơn, tận dụng chính các tổ chức báo chí của mình giúp các ban bộ ngành hiểu được những vướng mắc và khó khăn mà báo chí đang gặp phải trong nhiệm vụ truyền thông chính sách.

"Công tác truyền thông chính sách còn đòi hỏi nhiều nỗ lực. Cần có thêm sự chỉ đạo từ cấp độ Chính phủ. Truyền thông chính sách không chỉ là câu chuyện mong kiếm những nguồn lực mà còn là câu chuyện hợp tác giữa cơ quan chức năng và cơ quan báo chí, câu chuyện tuyên truyền không chỉ một chiều mà còn phải đa chiều, phản biện để hoàn thiện chính sách.

Từ những trao đổi hôm nay, tôi mong muốn nền báo chí của chúng ta chuyên nghiệp và khách quan hơn.Chắc chắn đây không phải là diễn đàn duy nhất và cuối cùng về truyền thông chính sách. Sau Diễn đàn này, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền về truyền thông chính sách. Chúng ta có sức mạnh của báo chí, chúng ta cần tăng cường nhận thức của cơ quan chức năng về truyền thông chính sách, giữa nhà nước, cơ quan chức năng và báo chí cần "đồng thanh tương ứng" mới có thể truyền thông chính sách hiệu quả", ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh.

PV

Tags:

Diễn đàn Tổng Biên tập

truyền thông chính sách

góc nhìn từ cơ quan báo chí

Tin cùng chuyên mục